Lượt xem: 353

Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn tôm nguyên liệu

Trong tháng 6 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1 tỷ USD, trong đó ngành tôm chiếm gần 50%. Dù vậy, mức tăng trưởng 7% của mặt hàng này được cho là khiêm tốn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Tại Sóc Trăng, sản lượng tôm mỗi năm chiếm hơn 20% tổng sản lượng tôm của cả nước và đóng góp hơn 10% vào kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm của Việt Nam. Để góp phần giữ vững đà tăng trưởng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu, nhiều giải pháp đồng độ đã và đang được ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai, trước mắt là bảo vệ an toàn cho diện tích tôm còn lại trên đồng.

 


Lãnh đạo tỉnh tham quan vùng nuôi tôm nguyên liệu của doanh nghiệp.

 

    Nếu như giai đoạn đầu vụ, tình hình nuôi tôm của Hợp tác xã Toàn Thắng thuộc xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu diễn ra khá thuận lợi, thì đến nay, diễn biến bất lợi từ thời tiết như: Độ mặn thấp, mưa nhiều và liên tục... đã khiến nhiều diện tích nuôi ghi nhận tình trạng thiệt hại xảy ra do bệnh phân trắng và gan tụy. Đến nay, toàn Hợp tác xã đã thả nuôi được 80% diện tích, 20% còn lại vẫn đang được các thành viên thận trọng thả nuôi theo hình thức thăm dò để hạn chế thiệt hại xảy ra do dịch bệnh. Bên cạnh đó, quy trình nuôi tôm theo chuẩn ASC hiện vẫn đang được nhiều thành viên áp dụng nhằm quản lý tốt các rủi ro phát sinh do dịch bệnh, đảm bảo sản lượng tôm nguyên liệu sạch, chất lượng cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã được ký kết. Ông Phạm Văn Mừng - Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Diện tích thả nuôi tại Hợp tác xã đến thời điểm này là 121 ha, sản lượng đã thu hoạch trong 6 tháng đầu năm đạt gần 250 tấn. Trong Hội đồng quản trị cũng thường xuyên khuyến cáo bà con phải thận trọng, cải tạo ao thật kỹ để tránh rủi ro cho mùa vụ tiếp theo. Chúng tôi tổ chức họp để bàn bạc, tuyên truyền làm sao để cuối năm nay, sản lượng tôm của Hợp tác xã đạt đúng chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra”.

    Sóc Trăng hiện có khoảng 40.000 cơ sở nuôi tôm, tập trung tại các địa bàn trọng điểm như Mỹ Xuyên, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu. Ngoài diện tích sản xuất trong dân, trong số này còn có các khu nuôi tập trung của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh sản lượng tôm được thu mua từ các hợp tác xã, tổ hợp tác, để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư hệ thống ao nuôi bài bản, chủ động trong việc điều tiết mật độ nuôi, từ đó giảm áp lực dịch bệnh, giúp tôm phát triển tốt. Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam cho biết thêm: “Hiện nay, một vài doanh nghiệp lớn của Sóc Trăng đã tạo dựng được một vùng nuôi rất tốt. Họ nuôi theo hướng công nghệ cao, áp dụng tất cả những kỹ thuật tiên tiến nhất, đem tri thức mình có được vào quá trình nuôi tôm cũng như việc quản lý các trang trại nuôi. Điều này góp phần mang đến năng suất và hiệu quả cao, góp phần hình thành các vùng tôm nguyên liệu bền vững”.

    Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi hơn 58.000 ha tôm, diện tích tôm nuôi thiệt hại là 2.103 ha, cao hơn 226,2% so cùng kỳ. Bên cạnh sự nỗ lực của hộ nuôi và doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đang tích cực vào cuộc, thành lập đường dây nóng theo từng vùng nuôi cụ thể để kịp thời tiếp nhận thông tin về diễn biến dịch bệnh xảy ra trên tôm nước lợ, cảnh báo và hỗ trợ hộ nuôi các giải pháp kỹ thuật cần thiết để bảo vệ hiệu quả diện tích tôm còn lại trên đồng. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: “Chúng tôi sẽ thông tin thường xuyên, liên tục về diễn biến thời tiết cũng như tăng cường công tác quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh ở các vùng nuôi để làm làm sao giúp bà con chủ động trong công tác ứng phó và phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm trên tôm. Song song đó tăng cường các cuộc hội nghị, hội thảo về các chuyên đề để có các giải pháp ứng phó dịch bệnh trên tôm một cách hiệu quả nhất”.

    Sóc Trăng là địa phương hai năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 khi chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng cao từ hộ nuôi, doanh nghiệp cũng như nhiều giải pháp đồng bộ đang được cơ quan chuyên môn tập trung triển khai, ngành tôm Sóc Trăng nhiều kỳ vọng sẽ đạt sản lượng tôm nuôi trên 196.000 tấn theo mục tiêu đề ra, tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu trong một vụ nuôi với nhiều khó khăn, trở ngại từ yếu tố thời tiết và rủi ro dịch bệnh.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 7662
  • Trong tuần: 78,369
  • Tất cả: 11,801,689